Thị trường lao động việt nam

Thông tin chia sẻ, thảo luận về thị trường lao động tại việt nam

Posts Tagged ‘Lao động’

Khơi gợi lòng yêu nghề ở giới trẻ

Posted by thitruonglaodong on August 21, 2008

Giúp thanh niên chọn nghề phù hợp là rất quan trọng. Trong ảnh: Học sinh học nghề tại Trường Trung cấp nghề Hùng Vương (TPHCM). Ảnh: H.NGA

Việc phát triển học vấn vẫn là xu hướng được lựa chọn chủ yếu, còn học nghề chỉ là phương án dự phòng trong thanh thiếu niênVăn hóa nghề biểu hiện trước hết ở sự nhận thức về nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp và việc học nghề. Nói cách khác, văn hóa nghề biểu hiện ở quan niệm về sự tiếp cận các cơ hội học nghề, lựa chọn nghề và vun đắp giá trị nghề nghiệp cho tương lai. Đáng lo nhất là giáo dục nhận thức về văn hóa nghề gắn với định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp trong thanh thiếu niên còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.

Xã hội trọng bằng cấp

Sự phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua ở VN cho thấy vẫn còn tồn tại sự phân bố chưa hợp lý về nguồn nhân lực, nổi bật nhất là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Số lượng sinh viên được đào tạo qua các trường ĐH tăng mạnh, trong khi lực lượng lao động kỹ thuật, thợ tay nghề bậc cao lại thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nhận thức và hành vi văn hóa nghề của thanh thiếu niên. Một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên vẫn bám giữ những giá trị, chuẩn mực nghề nghiệp cũ, coi trọng khoa cử, bằng cấp mà ít quan tâm đến các nghề lao động trực tiếp.

Một thực trạng rất đáng lo ngại là trong khi nhiều khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng và đi vào hoạt động thì vẫn có không ít gia đình vẫn ôm mộng khoa cử, chỉ mong muốn con cái thi đỗ ĐH và theo đuổi giấc mộng “làm quan”, “làm thầy”. Khảo sát của chúng tôi tại một số khu vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Khu Kinh tế Dung Quất, cho thấy có tới 48,8% thanh thiếu niên cho rằng cần phải học xong THPT rồi mới tính đến những bước tiếp theo; 37% thừa nhận để vào đời thuận lợi thì tấm giấy thông hành cần thiết vẫn phải là bằng tốt nghiệp ĐH hay trên ĐH. Ngược lại, chỉ có 6,7% ý kiến nói cần phải có nghề giỏi và 1,3% trả lời không biết…

Như vậy, phần đông ý kiến vẫn cho rằng học lên cao mới là cơ sở đích thực để phát triển nghề nghiệp, còn học nghề chỉ là phương án dự phòng.

Nhận thức học nghề: Lệch hướng

Đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của quá trình tuyển chọn và sử dụng đội ngũ lao động công nghiệp. Để có thể đạt trình độ tay nghề nhất định, người lao động phải đầu tư không ít công sức, thời gian và chi phí cho việc học và thực hành nghề. Nhưng kết quả khảo sát của chúng tôi cũng đưa ra những con số đáng chú ý.

Về mặt kinh tế, khảo sát cho biết khả năng đầu tư cho học nghề của con cái các gia đình còn rất hạn chế. Ở Khu Kinh tế Dung Quất, bình quân mỗi hộ dân chỉ có thể đầu tư dưới 200.000 đồng/tháng nếu con cái còn đi học. Còn về chọn nghề, tỉ lệ thanh thiếu niên chọn học nghề hành chính – văn phòng chiếm tỉ lệ cao nhất: 36,6% trong số người được hỏi; trong khi các nghề kỹ thuật chỉ chiếm khoảng nửa tỉ lệ này, như cơ khí 18,2%, kỹ thuật điện 17,6%… Đối với khu vực có cơ sở công nghiệp lớn, đang phát triển mạnh mẽ như nói trên mà tỉ lệ thanh thiếu niên thích học nghề hành chính – văn phòng cao như thế rất đáng để suy nghĩ.

Ngoài ra, khi khảo sát định hướng nghề nghiệp của thanh thiếu niên miền núi, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều sai lệch về chuẩn mực văn hóa nghề ở nhóm người từ 11 – 17 tuổi. Ai cũng biết ở khu vực miền núi rất cần nhiều lao động phổ thông để phát triển, nhưng lại có đến 39,1% muốn chọn nghề dạy học; kế tiếp 17,2% chọn nghề y và 13,5% chọn công việc hành chính – văn phòng.

Xã hội hóa… văn hóa nghề

Chúng ta không thể chỉ giáo dục về kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đơn thuần; mà phải giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, giáo dục về ý thức nghề nghiệp, sự lựa chọn nghề nghiệp, nâng cao khả năng sáng tạo trong lao động cho lao động trẻ, thanh thiếu niên…

Những con số trên rất đáng để bàn thảo, trên cơ sở đó trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến khía cạnh nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên. Nếu công nghiệp hóa được bắt đầu từ chính con người, từ sự nhận thức đúng đắn về quá trình xây dựng, triển khai và phát triển công nghệ và công nghiệp thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực phải được xem là một yếu tố quan trọng nhất. Phải khơi dậy được những tiềm năng sẵn có về kinh tế, con người và văn hóa, sự ham học hỏi, lòng say mê và yêu thích lao động sáng tạo của các thế hệ, xã hội hóa công tác đào tạo và học tập, xây dựng những chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp mới.

Về phương diện này, rất cần các chính sách, biện pháp của Nhà nước để vừa khuyến khích, động viên vừa ràng buộc trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà đầu tư và sử dụng lao động trong việc phải tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cũng cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, tạo điều kiện để các cơ quan chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, gia đình, đặc biệt là ngành giáo dục và LĐ-TB-XH tham gia tích cực trong việc đào tạo kiến thức, chuyên môn và văn hóa nghề cho thanh thiếu niên.

Posted in Uncategorized | Tagged: , , , , , , , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Thấy gì từ thị trường lao động quý 2?

Posted by thitruonglaodong on August 19, 2008

Hành chính/thư ký là một trong những nghề “nóng” hiện nay.

Tình hình nhân lực trong quý 2 năm nay cho thấy cung tăng nhẹ trong khi cầu “giậm chân tại chỗ”. Bán hàng, kỹ thuật ứng dụng, kế toán/tài chính và hành chính/thư ký tiếp tục là những nghề “nóng nhất” trên thị trường lao động. Chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu nhân lực sau đợt “bùng phát” quý trước.Theo Vietnamworks, chỉ số cung và cầu được tính dựa trên số lượng việc làm và số hồ sơ tìm việc đăng trên trang web việc làm và tuyển dụng của công ty này, thể hiện xu hướng của thị trường lao động trong từng ngành nghề cụ thể, từng cấp bậc tại Việt Nam.

Khoảng cách cung – cầu liên tục thu hẹp

Theo bản báo cáo của Vietnamworks, với mức tăng trưởng 0,3%, cầu lao động trực tuyến trong quý này “giậm chân tại chỗ”, chỉ số cầu lao động của 24 trong tổng số 49 ngành nghề phân loại trên trang web của Vietnamworks giảm, chỉ có 25 ngành nghề có chỉ số cầu lao động tăng.

Đây là lần đầu tiên kể từ quý 4/2006, chỉ số cầu lao động trực tuyến tăng “khiêm tốn” trong mùa “nhảy” việc và điều này phần nào phản ánh tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, chỉ số cung lao động trực tuyến chỉ tăng 6%, mức tăng thấp nhất trong hai quý gần đây nhất. Cung lao động trong 13 ngành nghề giảm; còn ở nhóm các ngành nghề có chỉ số cung lao động tăng, như ngành luật tăng cao nhất, đạt 24%.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2008 đến nay, khoảng cách cung – cầu lao động liên tục thu hẹp, giúp phần nào “hạ nhiệt” thị trường lao động Việt Nam. Trong số những ngành nghề có chỉ số cầu tăng, bán lẻ/bán sỉ tăng cao nhất, đạt 76% so với quý trước; theo sau là các ngành nghề kho vận, da giày, dầu khí/khoáng sản, viễn thông, kỹ thuật ứng dụng, sản xuất.

Từ quý 1/2007 đến hết quý 2/2008, bán hàng, kỹ thuật ứng dụng, kế toán/tài chính và hành chính/thư ký liên tục “ghi tên” trong nhóm sáu nghề có cung-cầu nhân lực cao nhất.

Nhu cầu lao động về công nghệ thông tin-phần mềm giảm 2%, nhưng vẫn thuộc sáu nghề có cầu nhân lực cao nhất quý này và sáu quý vừa qua, cho thấy nhân lực trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục thiếu.

Đối với ngành kế toán/tài chính và ngân hàng/đầu tư tăng lần lượt 22% và 20% về cung lao động so với quý trước, chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong nhóm sáu lĩnh vực có cung nhân lực cao nhất quý 2/2008. Tuy nhiên, chỉ số cầu lao động của hai ngành này giảm 3% và 13% so với quý đầu năm 2008.

Chỉ số cung lao động của lĩnh vực sản xuất quý 2/2008 tăng 5% và chỉ số cầu tăng 19%, đưa sản xuất trở thành một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng cầu cao nhất và thay thế nghề tiếp thị trong nhóm sáu lĩnh vực có cầu nhân lực cao nhất. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực sản xuất đã gia tăng liên tục kể từ đầu năm 2007.

Có sự thay đổi về phân bổ việc làm

Quý 2, các chỉ số cung và cầu nhân lực của ngành chứng khoán sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 65% về nhu cầu và 9% về cung so với quý trước.

Thị trường chứng khoán ảm đạm tại Việt Nam trong quý vừa qua đã làm nản lòng cả nhà tuyển dụng và các nhân viên ngành này. Nhưng sự thay đổi này là cần thiết để bình ổn cung – cầu nhân lực ngành chứng khoán vốn bị đẩy lên quá nóng trong thời gian qua.

Chỉ số cầu của ngành quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại, vốn là ngành thời thượng, nay giảm 11%, trong khi lượng ứng viên tìm việc trong lĩnh vực này tăng 7% so với quý 1/2008.

Bản báo cáo cũng cho biết những thay đổi về phân bố việc làm trong quý 2/2008, theo đó Tp.HCM và Hà Nội vẫn dẫn đầu. Tuy nhiên, chỉ số phân bố việc làm tại Tp.HCM giảm 0,2%, trong khi đó Hà Nội tăng đến 10% so với quý trước. Quý này, chỉ số phân bố công việc tại Đà Nẵng giảm 7%, ra khỏi nhóm 5 tỉnh, thành hấp dẫn nhất về mặt cơ hội việc làm và bị thay thế bởi Hải Phòng.

Trong quý 2/2008, nhu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm không thuộc cấp quản lý chiếm 66,7%, giảm 0,8% so với quý trước, nhưng vẫn chiếm ưu thế. Cơ hội nghề nghiệp đối với người tìm việc ở cấp độ trưởng nhóm/giám sát chiếm 9,3%, tăng 0,6% so với quý 1/2008.

Điều này nói lên rằng thị trường lao động Việt Nam vẫn trong “cơn khát” lao động trung và cao cấp. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới ra trường/thực tập chiếm 3,4%, tăng nhẹ 0,8% so với quý trước; theo sau là cấp quản lý với 17,4%; giám đốc 3,1%; trưởng đại diện (CEO)/chủ tịch/phó chủ tịch với 0,1%.

Posted in Thị trường lao động, Tin tức | Tagged: , , , , , , , , | Leave a Comment »