Thị trường lao động việt nam

Thông tin chia sẻ, thảo luận về thị trường lao động tại việt nam

Posts Tagged ‘Lake city’

Làm thế nào thâm nhập thị trường lao động Mỹ?

Posted by thitruonglaodong on August 20, 2008

Lam the nao tham nhap thi truong lao dong My
Việc xuất khẩu lao động sang Mỹ cần nhắm đến nhu cầu ngành nghề và trình độ lao động – Ảnh: Đ.N.T

Thị trường lao động Mỹ đang cần rất nhiều lao động ở các ngành nghề khác nhau, trong đó một trong những ngành nghề hiện cực kỳ khan hiếm là y tá. Chúng tôi đã có một cuộc điều nghiên về tình hình thị trường lao động Mỹ từ tháng 12/2006 – khi trở lại Mỹ. Và nhận thấy rằng đây là những thông tin rất cần thiết cho người Việt và có lợi cho nền kinh tế nước nhà.

Sự khan hiếm y tá ở Mỹ

Hoa Kỳ hiện thiếu rất nhiều lao động có kỹ năng (skilled labourer), trong đó có y tá. Nước Mỹ hiện có khoảng 100.000 vị trí y tá còn trống. Con số đó dự kiến tăng lên 434.000 vào năm 2020. Đến nỗi một số bệnh viện đã đưa ra chính sách chiêu mộ y tá bằng cách “thưởng nóng” một khoản tiền 14.000 đến 30.000 USD ngay cho bất cứ y tá có kinh nghiệm nào tình nguyện đầu quân vào bệnh viện của họ. Sự thiếu hụt y tá ngày thêm trầm trọng và buộc các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở Mỹ phải thuê mướn nhân viên nước ngoài. Đầu năm 2006, chính quyền Mỹ đã tu chính Luật Di trú, tháo bỏ giới hạn số y tá nước ngoài mà các bệnh viện Mỹ có thể thuê mướn, mở ra nhiều cơ hội để y tá các nước có thể đến hành nghề ở Mỹ…

Trong chuyến đi xuyên bang bằng đường bộ đến các tiểu bang miền Tây và Trung Tây Hoa Kỳ, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người gốc Việt đủ mọi ngành nghề.

Chị N.T.H, một cựu y tá Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM nay đang định cư ở California cho biết, chị theo chồng qua đây năm 1993. Qua Mỹ, chị lại theo đuổi nghề y tá. Đến khi tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi của State Board năm 1999 cũng là lúc rất nhiều bệnh viện ở California thiếu y tá trầm trọng. Chị nói: “Công việc của y tá ngày một quan trọng và hầu như làm hết mọi việc. Trong ngành y hiện nay ở Mỹ, các bác sĩ chỉ làm những việc quan trọng, còn hầu như họ “giao khoán” hết cho y tá”. Tôi hỏi về mức thu nhập, chị H. cho biết khoảng trên 70.000 USD/năm cộng với tiền làm thêm ở một cơ sở chữa trị gần bệnh viện của chị nữa là gần 100.000 USD/năm. Kể chuyện về cậu con trai, chị H. cho hay lúc vào đại học thì anh này theo chuyên ngành quản trị doanh nghiệp, ra trường qua Atlanta, bang Georgia làm việc với mức lương gần 30.000 USD/năm. Nhưng vào năm 2003, nhân một chuyến về California, sau khi vào thăm mẹ trong bệnh viện, anh này đã bỏ hết công việc, trở lại California và ghi danh học nghề y tá, nay đang học năm thứ hai.

Chúng tôi cũng gặp nhiều người Việt ở Salt Lake City, Los Angeles… tuy đã lớn tuổi, nhưng cũng cố gắng theo học đại học, một số theo học các lớp y tá 2 năm và rất dễ kiếm việc làm. Nhìn chung, tùy theo từng tiểu bang, tùy theo kinh nghiệm nghề nghiệp và bằng cấp (y tá 2 năm, 4 năm hoặc cao học), mức lương dao động từ khoảng 35.000 đến 80.000 USD/năm (không kể làm thêm giờ).

Những kỳ thi NCLEX

Tuy khan hiếm như thế, nhưng không phải bất cứ ai học xong và cầm trong tay mảnh bằng y tá là có thể hành nghề được. Nước Mỹ cần nhiều y tá mà họ gọi là Registered Nurse (RN) tạm dịch: Y tá được hành nghề (đã đăng ký), tức những người đã tốt nghiệp một trường đào tạo y tá và đã vượt qua kỳ thi của Hội đồng quốc gia phụ trách Thi cấp giấy phép hành nghề (NCLEX). Không vượt qua kỳ thi của NCLEX thì dù có bằng y tá trong tay cũng không được hành nghề. Kỳ thi của NCLEX cũng tương tự như các kỳ thi TOEFL (thi trắc nghiệm tiếng Anh) tổ chức khắp nơi trên thế giới nhưng theo một tiêu chuẩn chung.

Đầu năm 2006, chỉ có 3 nơi ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ được phép tổ chức thi NCLEX cho y tá là London (Anh), Seoul (Hàn Quốc) và Hồng Kông. Mới đây thêm 6 nước và vùng lãnh thổ: Canada, Mexico, Ấn Độ, Đức, Nhật và Đài Loan. Với y tá các nước, ngoài những nơi được tổ chức thi NCLEX nói trên, họ phải bay tới Hoa Kỳ để dự kỳ thi NCLEX tốn kém và còn phải vượt qua thủ tục nhập cảnh nước Mỹ.

Các công ty, tổ chức nào dự kiến xuất khẩu lao động Việt Nam qua Mỹ cần lưu ý đến những kỳ thi tương tự như NCLEX nói trên. Hầu hết những ngành nghề của Mỹ đều phải thi lấy chứng chỉ hành nghề rồi mới được làm việc. Chẳng hạn, với nghề làm móng tay, móng chân (nghề nail), sau khi học xong một khóa tại các trường, các trung tâm, thì dù cho trường đó, trung tâm đó có cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đi nữa thì cũng phải qua kỳ sát hạch của tiểu bang và phải đậu (pass) mới có chứng chỉ được phép hành nghề. Những nghề “cao cấp” như luật sư chẳng hạn, sau khi nhận bằng Juris Doctor (JD) – tức bằng cấp 1 về luật học (a first degree in law), mà người Việt Nam bên Mỹ ưa gọi là “tiến sĩ” (thực ra, trên Juris Doctor còn có Master of Laws – L.L.M. – và bằng tiến sĩ “thật” là Doctor of Juridical Science – S.J.D.) – thì họ còn phải vượt qua kỳ thi ở các tiểu bang mới được hành nghề luật sư. Kỳ thi này không phải dễ: Tiến sĩ Allen Hassan trong cuốn sách của ông Failure To Atone mới xuất bản hồi tháng 9/2006 đã kể rằng, ông phải thi đến 4 lần mới “pass” và mới được ra hành nghề luật sư.

Thị trường lao động Mỹ cần những ngành nghề gì?

Câu trả lời: rất nhiều ngành nghề. Ngoài nghề y tá chúng tôi đã đề cập trên, các công ty, tổ chức xuất khẩu lao động của Việt Nam cần nghiên cứu, tìm hiểu để có kế sách huấn luyện, đào tạo nghề thích hợp và nhất là vốn tiếng Anh tối thiểu trước khi đưa lao động của mình qua xứ người.

Tình hình thu nhập các ngành nghề ở Mỹ như sau: Đối với lao động phổ thông, giá phổ biến từ 8 đến 10 USD/giờ; thợ các loại mới ra trường từ 12 đến 20 USD/giờ. Có những người chỉ là thợ thôi, nhưng là thợ bậc cao, thâm niên, làm được chỗ tốt và có việc làm liên tục, lại chịu khó làm ngoài giờ thì có thể kiếm trên 80.000 USD/năm. Tóm lại, nếu là thợ lành nghề thì không thiếu việc làm (cũng như ở Việt Nam và các nơi khác vậy), nếu giỏi hơn và tiếng Anh thông thạo thì có thể mở công ty riêng hoặc tự mình đi giao dịch thì sẽ kiếm được tiền gấp nhiều lần đi làm công. Nói chung ở Mỹ, nếu nắm trong tay một nghề hợp với nhu cầu thị trường lao động thì mức lương từ 2.500 đến 4.000 USD/tháng là trong tầm tay.

Tuy nhiên, một vấn đề rất cần quan tâm là khoản tiền cọc mà các lao động phải đóng cho các tổ chức xuất khẩu lao động. Mức tiền cọc 15.000 USD cho mỗi lao động đi làm việc ở Mỹ (theo thông tin trên một số báo) là quá cao so với khả năng tài chính của người lao động Việt Nam, nhất là với những hộ nghèo, vốn là đối tượng ưu tiên của các chương trình xóa đói giảm nghèo. Nên chăng có thể tìm biện pháp khác như “tín chấp” chẳng hạn. Việc trốn lại ở nước ngoài – nếu có – chỉ là việc bất đắc dĩ và việc sinh sống bất hợp pháp tại một đất nước pháp quyền như Hoa Kỳ chẳng dễ dàng chút nào.

Philippines hiện là nước xuất khẩu y tá hàng đầu thế giới. Cả nước có hơn 165.000 y tá, trong đó 85% làm việc tại ít nhất 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hải ngoại. Sáu quốc gia và vùng lãnh thổ thuê mướn nhiều y tá Philippines là: Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Anh, Ireland và Đài Loan. Trong những thập niên qua và cho đến nay, Philippines là nguồn cung cấp y tá nước ngoài hàng đầu cho Mỹ.

Do nghề y tá làm việc ở nước ngoài có thu nhập rất cao nên đã xảy ra những hiện tượng lạ: Những năm gần đây, số sinh viên Philippines thi vào đại học y khoa giảm nhiều dẫn đến việc 3 trường Y phải đóng cửa. Theo thống kê, số người dự kỳ thi NMAT (thi tuyển sinh ngành y toàn quốc) vào năm 2000 là 6.245, đến năm 2005 giảm xuống còn 2.912 người. Các sinh viên Philippines đồng ý rằng việc họ nay không mấy quan tâm theo đuổi ngành y để trở thành bác sĩ có nguyên nhân chính là kinh tế: học lâu mà kiếm tiền lại ít. Thu nhập trung bình của các bác sĩ ở bệnh viện, cơ sở chữa trị công lập từ 300 đến 550 USD/tháng, lương y tá trung bình 160 USD/tháng, trong khi đó những y tá đồng nghiệp với họ đang lao động ở nước ngoài kiếm được từ 3.000 đến 5.000 USD/tháng, riêng tại Mỹ tiền công trả cho y tá mỗi giờ từ 30 đến 45 USD cộng với tiền phụ trội – nếu làm thêm ngoài giờ từ 15 đến 20 USD/giờ nữa.

Do vậy, đã xảy ra một nghịch lý đáng nói là một số lượng lớn các bác sĩ đã chuyển qua học nghề y tá. Trong thời gian từ 2003 đến 2005, đã có hơn 4.000 bác sĩ Philippines dự thi lấy bằng hành nghề y tá và hiện nay, khoảng 3.000 bác sĩ đã ghi danh học ở hơn 45 trường đào tạo y tá. Họ đã chuyển nghề từ “chữa trị” xuống “chăm sóc” với lý do là để có cơ hội đi nước ngoài và nhận được thu nhập cao hơn nhiều lần. (Nguồn: Hội đồng điều phối ngành nghề Philippines – PRC – 2005).

Posted in Thị trường lao động, Tin tức | Tagged: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »